Cập Nhật Mới: Những Thay Đổi Quan Trọng Trong Hệ Thống Đảm Bảo Gỗ Hợp Pháp Việt Nam Từ 11/2024

Cập Nhật Mới: Những Thay Đổi Quan Trọng Trong Hệ Thống Đảm Bảo Gỗ Hợp Pháp Việt Nam Từ 11/2024

Cùng Lidowood khám phá những điểm mới quan trọng trong hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, được áp dụng từ tháng 11/2024 ngay dưới đây nhé!

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, việc đảm bảo tính hợp pháp trong chuỗi cung ứng gỗ không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc và cấp thiết.

Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đồng thời đảm bảo thực thi Hiệp định VPA/FLEGT với EUThỏa thuận song phương với Hoa Kỳ về khai thác gỗ hợp pháp, ngày 30/9/2024, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP.

Nghị định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2024, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn.

Những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng trong Nghị định 120/2024/NĐ-CP

1. Quản lý gỗ nhập khẩu: Cập nhật thời hạn, quy trình và biểu mẫu kê khai

Quản lý gỗ nhập khẩu: Cập nhật thời hạn, quy trình và biểu mẫu kê khai

Thời gian công bố danh mục rủi ro được điều chỉnh: 

Thay vì công bố định kỳ mỗi 6 tháng như trước đây, danh mục các loài gỗ và vùng địa lý đã từng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được công bố mỗi năm một lần, trước ngày 31/12 hằng năm. 

Quy định này nhằm tạo tính ổn định và giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch nhập khẩu.

Mở rộng tiêu chí loại trừ vùng địa lý tích cực: 

Một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ dù đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 5 nhưng nếu có bằng chứng liên quan đến khai thác, mua bán gỗ bất hợp pháp hoặc sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, thì sẽ không được xếp vào vùng địa lý tích cực. 

Việc này giúp tăng độ tin cậy của nguồn gốc gỗ nhập khẩu.

Hợp nhất biểu mẫu kê khai: Ba mẫu kê hiện hành theo Nghị định 102 gồm:

  • Mẫu số 01 (Bảng kê gỗ nhập khẩu),
  • Mẫu số 02 (Bảng kê sản phẩm gỗ nhập khẩu),
  • Mẫu số 03 (Bảng kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu)

Được gộp lại thành một mẫu duy nhất là Mẫu số 01 (Bảng kê gỗ nhập khẩu) ban hành kèm Nghị định 120. 

Mẫu này có nhiều nội dung được bổ sung như:

  • Mục 11: Thêm trường thông tin quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu.
  • Mục 12 & 13: Bổ sung thông tin nơi khai thác gỗ.
  • Trường hợp sản phẩm gỗ hỗn hợp có chứa loài gỗ rủi ro, doanh nghiệp phải kê khai như với loài gỗ rủi ro.
  • Mục D: Phân định rõ giữa gỗ từ vùng tích cực hoặc loài không rủi ro và gỗ từ vùng không tích cực hoặc loài rủi ro – giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp.

Quy định lưu giữ hồ sơ giấy: 

Khi chủ gỗ nộp hồ sơ bằng bản giấy và hoàn tất thủ tục hải quan, cơ quan hải quan trả lại bộ hồ sơ để doanh nghiệp lưu trữ. Hồ sơ này sẽ là căn cứ quan trọng khi các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc gỗ.

2. Quản lý gỗ xuất khẩu: Áp dụng quy chuẩn thống nhất, không phân biệt thị trường

Quản lý gỗ xuất khẩu: Áp dụng quy chuẩn thống nhất, không phân biệt thị trường

Nghị định mới bỏ quy định ưu tiên đối với thị trường ngoài EU. Tất cả các lô hàng gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước, dù xuất sang EU hay không, đều phải có xác nhận nguồn gốc hợp pháp trước khi xuất khẩu. Điều này giúp thiết lập một tiêu chuẩn thống nhất cho toàn bộ gỗ xuất khẩu.

Tương tự như gỗ nhập khẩu, nếu chủ gỗ xuất trình hồ sơ bằng bản giấy thì sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, cơ quan chức năng cũng sẽ trả lại hồ sơ để doanh nghiệp lưu trữ, phục vụ kiểm tra khi cần.

3. Phân loại doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng: Mở rộng phạm vi và nâng cấp hệ thống thông tin

Phân loại doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng: Mở rộng phạm vi và nâng cấp hệ thống thông tin

Hệ thống phân loại doanh nghiệp (ECS) được áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng VNTLAS, từ trồng rừng, khai thác, chế biến đến nhập khẩu và xuất khẩu. Đây là hệ thống có chức năng tiếp nhận, xử lý, lưu trữ thông tin và công bố kết quả phân loại.

Doanh nghiệp được chia làm hai nhóm:

  • Nhóm I: Doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ tiêu chí tuân thủ.
  • Nhóm II: Doanh nghiệp chưa đáp ứng hoặc mới thành lập.

Thời hạn phân loại lại đối với doanh nghiệp Nhóm I được điều chỉnh thành 2 năm/lần, tạo thuận lợi hơn trong thủ tục hành chính.

Các trường hợp chuyển loại doanh nghiệp từ Nhóm I sang Nhóm II gồm:

  • Không nộp lại hồ sơ phân loại đúng hạn (trước 30 ngày tính đến thời điểm hết hạn).
  • Bị phát hiện có bằng chứng không tuân thủ tiêu chí phân loại.

Mở rộng đối tượng áp dụng phân loại doanh nghiệp sang các lĩnh vực:

  • Trồng rừng, khai thác, cung cấp gỗ nguyên liệu.
  • Chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu gỗ.

Quy định này sẽ chính thức áp dụng đối với các đối tượng ngoài chế biến và xuất khẩu gỗ từ tháng 3/2026 (18 tháng sau ngày nghị định có hiệu lực 15/11/2024). Trong thời gian này, Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp (ECIS) sẽ được xây dựng để vận hành đồng bộ.

Quy trình tiếp nhận, xác minh, xếp loại và công bố phân loại doanh nghiệp

4. Làm rõ khái niệm “gỗ hợp pháp”

Làm rõ khái niệm "gỗ hợp pháp"

Gỗ sau khi bị tịch thu dù đã qua xử lý sẽ không còn được xem là gỗ hợp pháp. Điều này đồng nghĩa, loài gỗ này không được phép đưa vào thị trường thương mại. Việc quản lý tài sản tịch thu hiện do Nghị định 29/2018/NĐ-CP điều chỉnh.

Khái niệm gỗ hợp pháp cũng được mở rộng, yêu cầu tuân thủ pháp luật không chỉ của Việt Nam, mà còn của quốc gia khai thác, trung chuyển và xuất khẩu trước khi gỗ được đưa vào Việt Nam.

Đồng thời, để bảo đảm tính chính xác về thuật ngữ, cụm từ “loại gỗ” được thay thế bằng “loài gỗ”, khắc phục tình trạng hiểu sai khi thực hiện nghị định cũ.

5. Điều chỉnh về cấp phép FLEGT

Điều chỉnh về cấp phép FLEGT

Nghị định mới loại bỏ quy định cấp phép FLEGT đối với hai trường hợp:

  • Gỗ tạm nhập – tái xuất không tiêu thụ tại EU.
  • Gỗ đã xử lý sau tịch thu.

Điều này phản ánh tinh thần chặt chẽ trong kiểm soát tính hợp pháp, tránh tình trạng lợi dụng các lô hàng trung chuyển hoặc gỗ tịch thu để đưa vào thị trường EU.

Thách thức đối với các bên liên quan

Thách thức với cơ quan Kiểm lâm

Thách thức với cơ quan Kiểm lâm

1. Gặp nhiều khó khăn trong công tác truy xuất nguồn gốc gỗ

Công tác truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp gặp nhiều khó khăn do sự tham gia của nhiều đối tượng trong chuỗi cung ứng – từ chủ rừng, đơn vị sản xuất, chế biến, vận chuyển đến thương mại, xuất nhập khẩu. 

Mỗi mắt xích đều có đặc thù riêng, tạo ra sự phức tạp trong việc giám sát và xác minh tính hợp pháp của gỗ.

2. Khó khăn về cơ chế phối hợp liên ngành

Việc triển khai hệ thống phân loại doanh nghiệp (ECS) cũng đối mặt với không ít trở ngại do liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như đất đai, môi trường, đầu tư, thuế, lao động, hải quan, và phòng cháy chữa cháy. Điều này đòi hỏi sự phối hợp liên ngành chặt chẽ, tuy nhiên hiện tại việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và phân loại doanh nghiệp.

3. Thiếu hụt nguồn lực

Một trở ngại lớn khác là thiếu hụt nguồn lực. Nhiều cơ quan kiểm lâm địa phương không có đủ kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ, hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại hoặc các công cụ giám sát cần thiết. 

Đồng thời, đội ngũ cán bộ mỏng, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng và phức tạp, gây áp lực lớn trong công tác xác minh nguồn gốc, giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến gỗ.

4. Khó khăn về kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu.

Thực tế hiện nay, lượng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam rất lớn và đến từ nhiều nguồn khác nhau. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (2025), năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 2,81 tỷ USD – tăng 28,1% so với năm trước. Trong đó, gỗ tròn đạt 1,83 triệu m³ (497,83 triệu USD), tăng 13% về lượng và 9,5% về giá trị; gỗ xẻ đạt gần 2,39 triệu m³ (923,05 triệu USD), tăng hơn 66% cả về lượng và giá trị. 

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một phần không nhỏ các loại gỗ có nguồn gốc không minh bạch, thiếu chứng từ hợp pháp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và giám sát.

5. Khó khăn về tổ chức bộ máy kiểm lâm không đồng nhất giữa các địa phương

Về tổ chức bộ máy, hiện trạng cơ quan kiểm lâm ở nhiều địa phương không đồng nhất do đã có sự sáp nhập hoặc giải thể. Điều này gây ảnh hưởng đến việc thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

6. Phân định nhiệm vụ giữa kiểm lâm cấp tỉnh và cấp huyện chưa rõ ràng

Thêm vào đó, việc phân định nhiệm vụ và quyền hạn giữa kiểm lâm cấp tỉnh và cấp huyện chưa rõ ràng. Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể phân biệt loại việc nào thuộc cấp tỉnh, việc nào thuộc cấp huyện, gây lúng túng trong thực hiện và báo cáo. 

Ngoài ra, vai trò của cơ quan kiểm lâm trong việc chủ trì phối hợp với các đơn vị như cơ quan thuế để kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản chưa được làm rõ; các quy định hiện tại mới chỉ dừng ở mức xác minh và xác nhận nguồn gốc.

Thách thức với doanh nghiệp ngành gỗ

Thách thức với doanh nghiệp ngành gỗ

1. Thu thập và cung cấp hồ sơ đầy đủ là một thách thức lớn

Đối với doanh nghiệp, việc thu thập và cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu hoặc khai thác trong nước – như giấy phép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ vận chuyển – vẫn là một thách thức lớn. 

Bất kỳ sai sót nào cũng có thể khiến doanh nghiệp rơi vào rủi ro pháp lý nếu bị phát hiện có liên quan đến gỗ không hợp pháp trong chuỗi cung ứng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín mà còn có thể gây tổn thất tài chính đáng kể.

2. Tuân thủ và duy trì hệ thống truy xuất gỗ

Việc tuân thủ và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm giải trình đi kèm với chi phí không nhỏ. Doanh nghiệp phải đầu tư cho công nghệ thông tin, hệ thống kiểm tra chất lượng, đào tạo nhân lực và xây dựng quy trình giám sát từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra.

3. Thiếu hụt kiến thức nếu không nhanh chóng cập nhật

Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tụt lại phía sau nếu không nhanh chóng cập nhật kiến thức, hiểu và thực thi các quy định mới. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ đánh mất cơ hội tiếp cận thị trường hoặc bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khuyến nghị

Khuyến nghị đối với cơ quan Kiểm lâm và Hải quan

Khuyến nghị đối với cơ quan Kiểm lâm và Hải quan

Cần tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT nhằm cập nhật các tiêu chí phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Việc điều chỉnh này phải phù hợp với các thay đổi trong pháp luật chuyên ngành liên quan cũng như yêu cầu mới về thủ tục hành chính.

Tích hợp hệ thống phân loại doanh nghiệp với hệ thống quản lý rủi ro của ngành hải quan, áp dụng cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ để nâng cao hiệu quả kiểm soát.

Thường xuyên cập nhật và công bố danh sách các loài gỗ có nguy cơ rủi ro cao, các vùng địa lý đáng tin cậy và những hệ thống chứng chỉ hợp pháp đã được công nhận.

Chủ động chia sẻ tài liệu, kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng hải quan tại các cửa khẩu nhằm giúp họ kiểm tra hiệu quả tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ khai báo – góp phần thực thi tốt cơ chế trách nhiệm giải trình.

Nhanh chóng ban hành và triển khai các hướng dẫn cụ thể liên quan đến quy trình xác minh lô hàng xuất khẩu cũng như thủ tục cấp phép FLEGT theo quy định.

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong ngành gỗ

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong ngành gỗ

Cần xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình toàn diện trong nội bộ doanh nghiệp; đồng thời tăng cường giám sát chuỗi cung ứng thông qua việc kiểm tra và lưu trữ các tài liệu hợp pháp liên quan đến nguồn gốc gỗ, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định trong toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh đầu tư vào các giải pháp công nghệ thông tin như phần mềm theo dõi chuỗi cung ứng, hệ thống quản lý dữ liệu liên quan đến gỗ hợp pháp, và các công cụ hỗ trợ chứng nhận nhằm tăng hiệu quả vận hành và giảm thiểu rủi ro.

Tổ chức các chương trình đào tạo định kỳ để nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên về thực hiện trách nhiệm giải trình, đặc biệt trong việc thu thập thông tin, đánh giá – kiểm soát rủi ro và lưu trữ kết quả thực hiện trong bảng kê gỗ nhập khẩu.

Khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành gỗ

Khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành gỗ

Nâng cao vai trò hỗ trợ các cơ sở chế biến gỗ – đặc biệt là các làng nghề – trong việc áp dụng các hệ thống quản lý dòng gỗ hiệu quả, nhằm đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc đáng tin cậy.

Phát huy chức năng tư vấn và đào tạo doanh nghiệp, giúp họ hiểu và thích ứng với các yêu cầu pháp lý và tiêu chuẩn mới trong nước cũng như quốc tế về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, chẳng hạn như VPA/FLEGT, EUDR hay Đạo luật Lacey.

Làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị thực tế từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách điều hành phù hợp, thực tiễn hơn.

LIDOWOOD tiếp tục kiên định với phương châm “TẠO NIỀM TIN – NHẬN GIÁ TRỊ”

Việc hoàn thiện hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp theo Nghị định 120/2024/NĐ-CP cho thấy rõ định hướng minh bạch và bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp uy tín như LIDOWOOD tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, rõ ràng nguồn gốc và đạt chuẩn quốc tế.

Với tầm nhìn trở thành một trong 5 nhà cung cấp gỗ hàng đầu Việt Nam, LIDOWOOD cam kết chỉ cung cấp các sản phẩm gỗ có chứng chỉ hợp pháp, xuất xứ từ Mỹ và châu Âu. Dù khách hàng mua lẻ từng thanh gỗ, theo kiện hay nguyên container, chúng tôi luôn đặt chữ tín và giá trị thực lên hàng đầu.

Trong bối cảnh yêu cầu về tính hợp pháp ngày càng rõ ràng, LIDOWOOD tiếp tục kiên định với phương châm “TẠO NIỀM TIN – NHẬN GIÁ TRỊ”, đồng hành cùng khách hàng và đối tác trên hành trình minh bạch hóa ngành gỗ Việt Nam.

Tóm lại, những thay đổi quan trọng trong hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam từ tháng 11/2024 không chỉ đánh dấu bước tiến lớn trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quốc gia mà còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ phát triển bền vững và minh bạch hơn. Việc nắm bắt và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, mở rộng thị trường và góp phần xây dựng ngành gỗ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thân thiện với môi trường.

Hãy cùng Lidowood đồng hành và cập nhật để luôn đi đầu trong việc áp dụng những tiêu chuẩn mới, đảm bảo sự phát triển vững chắc và bền lâu cho ngành gỗ nước nhà.

Xem thêm: Kết Nối Mở Rộng Nguồn Cung Gỗ Mềm Hoa Kỳ Tại Việt Nam

  • Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/9/2020 của Chính phủ, quy định về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp tại Việt Nam.
  • Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP nhằm cập nhật và hoàn thiện các quy định liên quan đến hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp.
  • Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, quy định về phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.
  • Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản.
  • Báo cáo “Tình hình thực hiện Nghị định số 102/2020/NĐ-CP và tác động đối với quản lý gỗ nhập khẩu” của tác giả Nguyễn Tường Vân và Trần Lê Huy, tháng 6 năm 2022.

Báo cáo “Đánh giá nhu cầu năng lực của kiểm lâm trong việc triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống VNTLAS” do Vũ Thị Bích Thuận thực hiện, tháng 12 năm 2024.

0981978918Zalo logo